Friday, May 11, 2018

Bộ Tài chính: Không có chuyện phạt tới 10 triệu nếu chữ ký không giống mẫu 100%

Cục trưởng Cục quản lý, giám sát kế toán kiểm toán khẳng định không phải chữ ký trên chứng từ kế toán được yêu cầu giống y chang nhau 100%, chỉ cần khác nét nghiêng, dài, ngắn… đã bị phạt như dư luận hiện nay.

Không có chuyện phạt tới 10 triệu nếu chữ ký không giống mẫu 100%


Dư luận hiện đang xôn xao trước quy định tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/5, cho biết sẽ phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với chữ ký trên chứng từ kế toán của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký.

Trao đổi với phóng viên Người đồng hành, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết viết xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng này chỉ được áp dụng khi có hành vi cố tình giao dịch trên chữ ký không thống nhất hoặc không đúng với mẫu đăng ký.

“Nghĩa là hai bên vẫn tiến hành giao dịch dù chữ ký không đúng mẫu đăng ký (nếu có) hoặc hoàn toàn không nhận ra chữ ký của người đó trên chứng từ. Hành vi như vậy rõ ràng là sai”, ông Chính cắt nghĩa. Khi giao dịch đã hoàn thành, người kiểm tra phát hiện có hành vi cố tình sẽ lập biên bản và căn cứ vào tình hình thực tế để xử phạt.

“Không phải cứ nhìn thấy chứng từ có chữ ký không giống đã phạt ngay như dư luận nêu. Tôi khẳng định không phải chữ ký trên chứng từ kế toán được yêu cầu phải giống y chang nhau, chỉ cần khác nét nghiêng, dài, ngắn đã bị phạt”, vị Cục trưởng nhấn mạnh.

Như vậy, ông Chính cho rằng phải hiểu rõ ràng rành mạch về mặt từ ngữ tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP. Nghị định không sử dụng cụm từ chữ ký “không giống nhau” mà nêu rõ chữ ký của một người “không thống nhất” hoặc “không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký”.

“Không thống nhất” hoặc “không đúng với đăng ký” được hiểu là khi nhìn vào chữ ký người đọc không nhận ra, không thể khẳng định đây là chữ ký đã được xác định của một người. Theo đó, quy định tại Nghị định 41 không nên hiểu máy móc là chữ ký trên chứng từ kế toán phải giống y chang 100% từng nét.

Thực tế, việc yêu cầu “chữ ký thống nhất” ở đây chủ yếu dành cho chữ ký tay tên chứng từ. Còn đối với chữ ký điện tử, mỗi chữ ký cấp cho cá nhân, tổ chức là chữ ký đã được mã hóa trên công nghệ số một cách duy nhất. Vì vậy, không có chuyện chữ ký điện tử gần đúng, nếu không khớp tức là chữ ký sai hoàn toàn.

Ông Chính cho biết, việc yêu cầu thống nhất chữ ký để đảm bảo tính hợp pháp của chứng từ kế toán, tránh rủi ro về việc giả mạo chữ ký trên chứng từ, nhất là đối với các chứng từ kế toán tham gia vào quy trình giao dịch, thanh toán. Việc quy định chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất đã được nêu rõ trong Luật Kế toán 2003, được kế thừa trong Luật Kế toán 2015.

Về phản ánh cho rằng quy định mẫu chữ ký phải được đăng ký sẽ gây khó cho các doanh nghiệp nhỏ khi rất nhiều đơn vị chỉ thuê dịch vụ báo cáo thuế vào mỗi cuối tháng, nếu phải đăng ký sẽ có rất nhiều chữ ký, ông Chính giải thích rõ đây không phải yêu cầu bắt buộc.

“Một số đơn vị có giao dịch thường xuyên với khách hàng như ngân hàng sẽ yêu cầu chủ doanh nghiệp hoặc người thường xuyên giao dịch đăng ký mẫu chữ ký để đảm bảo an toàn. Khi các đơn vị này có yêu cầu, khách hàng phải đăng ký mẫu chữ ký. Nếu chữ ký không đúng mẫu đã đăng ký, ngân hàng sẽ trả lại chứng từ, khách hàng phải lập lại chứng từ khác, đảm bảo chữ ký thống nhất theo đăng ký”, vị Cục trưởng diễn giải.

No comments:

Post a Comment